Return to site

Áp dụng “lãnh đạo khai vấn” (coaching leadership) từng giúp HLV nâng tầm sự nghiệp Michael Jordan.

 

KAT BOOGAARD

Contributing Writer

October 25, 2021

Những nhà lãnh đạo khai vấn - hay còn gọi là lãnh đạo theo kiểu huấn luyện viên - có khả năng đồng cảm, tự nhận thức và kỹ năng cao trong việc phát triển con người. Phong cách lãnh đạo này cực kỳ hữu ích và giá trị trong việc phát triển các nhân tài dài hạn cho tổ chức. Đừng chỉ đối xử với nhân viên như những người có kỹ năng có giá trị - hãy đối xử với họ như những người có giá trị.

TÓM TẮT 5 GIÂY

  • Các nhà lãnh đạo áp dụng phong cách lãnh đạo khai vấn có cách tiếp cận cá nhân để công nhận và trau dồi tài năng của từng thành viên trong nhóm, đồng thời hướng mọi người đến một mục tiêu chung.
  • Dale Carnegie là một ví dụ điển hình về một người đã sử dụng phong cách lãnh đạo khai vấn.
  • Phil Jackson, cựu huấn luyện viên của Chicago Bulls, thể hiện phong cách này trong loạt phim tài liệu “The Last Dance”.
  • Khi được thực hiện đúng, phương pháp này có thể giúp xây dựng mức độ tin cậy cao giữa người quản lý và các thành viên trong nhóm.

Cho dù bạn là người đam mê thể thao hay không thì cũng thật khó có thể bỏ qua “The Last Dance” của Netflix/ESPN - loạt phim tập trung vào chuỗi chiến thắng huyền thoại của Chicago Bulls trong suốt những năm 1990.

Nhưng những bài học được tìm thấy trong đó không phải về bóng rổ mà về tư duy lãnh đạo từ một trong những nhân vật chính là Phil Jackson, huấn luyện viên trưởng của Bulls từ năm 1989 đến 1998, người đã dẫn dắt đội đến sáu chức vô địch NBA trong nhiệm kỳ của mình.

Bí mật của Phil là gì? Ông ấy hiểu từng cầu thủ của mình như từng cá nhân. Ông ấy biết rằng nếu bạn là Michael Jordan, bạn sẽ có động lực để làm việc chăm chỉ hơn và lâu bền hơn bất kỳ ai khác. Còn nếu bạn là Dennis Rodman, vâng, đôi khi bạn cần phải biến mất đi chơi ở Vegas trong vài ngày.

Và cho dù ông ấy sử dụng các cách tiếp cận khác nhau cho những thành viên khác nhau, điều quan trọng là Phil vẫn có thể tập hợp họ hướng tới một tầm nhìn chung đó là giành chức vô địch.

Hãy nói về cách bạn có thể áp dụng điều này vào thực tế với nhóm của mình.

Phong cách lãnh đạo khai vấn là gì?

Hầu hết những gì bạn cần biết về phong cách lãnh đạo khai vấn nằm ngay trong tên gọi: nhà lãnh đạo hành động như một huấn luyện viên. Người lãnh đạo cho mọi người thấy những đóng góp của cá nhân góp phần vào mục tiêu lớn hơn như thế nào. Nhưng trên hết, họ đầu tư thời gian của riêng mình để giúp các thành viên trong nhóm phát triển năng lực cá nhân.

Theo Herminia Ibarra và Anne Scoular trên tạp chí Harvard Business Review, “huấn luyện hiện nay không chỉ đơn thuần là một hình thức chia sẻ chân thành những gì bạn biết với những người có ít kinh nghiệm hơn hoặc ít thâm niên hơn, mặc dù đó vẫn là một khía cạnh quan trọng. Công tác huấn luyện hiện nay còn đặt nặng lên việc đưa ra những thắc mắc để khơi gợi những giá trị ẩn từ người khác.

Khi nào áp dụng phong cách lãnh đạo khai vấn

Các nhóm và tình huống khác nhau yêu cầu các cách tiếp cận khác nhau cũng đồng nghĩa với việc áp dụng lãnh đạo khai vấn không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất.

Phong cách lãnh đạo kiểu này đạt được hiệu quả cao nhất khi bạn:

  • Lãnh đạo một nhóm mà ở đó nhân viên đã có sẵn động lực, nhưng mức độ tương tác và động lực thấp.
  • Tiếp quản một đội có văn hóa làm việc độc hại hoặc môi trường đó đã đang tồn tại sự thiếu tin tưởng vào các nhân vật lãnh đạo.
  • Nhận thấy sự thiếu kết nối giữa mục tiêu của tổ chức và cá nhân
  • Nhận ra nhiều silo thông tin giữa các phòng ban

Đây là những cơ hội để một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, biết định hướng và đồng cảm có thể giúp lèo lái con tàu quay trở lại đúng hướng và bỏ lại tất cả phía sau.

Những ví dụ về lãnh đạo khai vấn trong thực tế

Hãy quay lại với Phil Jackson, như Mitch Mitchell đã viết trên Forbes, “ Phil nổi tiếng hiểu khía cạnh con người của cầu thủ của mình. Từ việc để Jordan và những người khác chơi golf để giảm bớt căng thẳng trước trận đấu, đến việc bật mí một ‘chuyến đi nhanh’ đến Vegas cho Dennis Rodman, anh ấy nhìn nhận các vận động viên của mình không chỉ đơn thuần là những người ghi điểm, hoặc lo việc rebounds và hỗ trợ tấn công”

Bạn không cần phải la hét từ đường biên để áp dụng phong cách lãnh đạo khai vấn. Có rất nhiều ví dụ từ thế giới kinh doanh mà bạn có thể áp dụng:

  • Sheryl Sandberg: 

COO của Facebook nổi tiếng là người có nhiều kỳ vọng vào nhóm của cô ấy, nhưng cũng dành nhiều lời khen ngợi, ghi nhận và giúp đỡ.

  • Dale Carnegie: 

Một biểu tượng được tôn sùng trong giới kinh doanh vì kỹ năng lãnh đạo tài tình đến nỗi cả một ngành công nghiệp tồn tại xung quanh việc giảng dạy các triết lý và kỹ thuật của ông. Hai trong số những nguyên lý chính của ông là áp dụng cách tiếp cận linh hoạt và đối xử với nhân viên như những người có giá trị, thay vì những người có kỹ năng có giá trị.

  • Satya Nadella: 

Nadella bước chân vào vị trí CEO của Microsoft trong thời kỳ mà công ty đang hoạt động tạm ổn nhưng rất trì trệ. Ông đã mô hình hóa và khuyến khích tư duy phát triển cho nhân viên và lãnh đạo, dẫn đến sự thay đổi văn hóa toàn diện của công ty.

Phong cách lãnh đạo khai vấn khác và giống với các phong cách lãnh đạo khác như thế nào?

Dường như có hàng tá phong cách lãnh đạo khác nhau, nhưng phong cách lãnh đạo nào thì hầu hết cũng đều không hoạt động trên nguyên tắc một chiều. Nhiều nhà lãnh đạo giỏi sử dụng kết hợp nhiều phong cách để thúc đẩy và dẫn dắt nhóm của họ một cách tốt nhất (đó là một phong cách lãnh đạo riêng, được gọi là lãnh đạo theo tình huống).

Mặc dù vậy, việc hiểu rõ sự khác nhau giữa phương pháp lãnh đạo khai vấn và các phương pháp tiếp cận khác là rất hữu ích để hiểu rõ hơn về việc làm thế nào để trở thành một nhà lãnh đạo khai vấn thực thụ.

Sau đây hãy cùng tham khảo một số hình thức lãnh đạo phổ biến có những nét tương đồng với phong cách lãnh đạo khai vấn:

  • Phong cách lãnh đạo dân chủ: 

Tương tự chế độ dân chủ, kiểu lãnh đạo này chủ yếu dựa vào ý kiến ​​đóng góp và đề xuất của các thành viên trong nhóm. Phong cách này ưu tiên sự cộng tác giống như phong cách lãnh đạo khai vấn.

  • Phong cách lãnh đạo phục vụ: 

Những nhà lãnh đạo kiểu này muốn được phục vụ và nâng đỡ sự thành công của tập thể hơn là giành lấy vinh quang cho bản thân. Giống như lãnh đạo khai vấn, phong cách này nhấn mạnh đến sự tăng trưởng và phát triển.

  • Phong cách lãnh đạo chuyển đổi: 

Những nhà lãnh đạo kiểu này muốn cải thiện các tổ chức mà họ làm việc. Để làm như vậy, họ khuyến khích các thành viên trong nhóm không chỉ đáp ứng mà còn phải cố gắng để vượt mục tiêu. Điểm chung là áp dụng kiểu này thường đạt được kết quả, giống như với khả năng lãnh đạo khai vấn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo khai vấn khác biệt hoàn toàn với các phong cách lãnh đạo sau:

  • Phong cách lãnh đạo chuyên quyền: 

Cách tiếp cận khá truyền thống này đặt tất cả quyền lực vào tay người lãnh đạo. Họ là những người đưa ra quyết định và các cấp dưới bắt buộc phải tuân theo mà không được có thắc mắc nào.

  • Phong cách lãnh đạo quan liêu: 

Các nhà lãnh đạo quan liêu thích làm những việc theo sách vở. Họ dựa nhiều vào các quy tắc và thủ tục, điều này không tạo thuận lợi cho việc quản lý theo nhu cầu với cấp độ cá nhân.

  • Phong cách lãnh đạo Laissez-faire: 

Những nhà lãnh đạo này gần như hoàn toàn chuyển giao toàn bộ quyền lực cho nhân viên. Phong cách này thường thiếu đi sự hợp tác và cam kết của những cá nhân trong tập thể.

  • Phong cách lãnh đạo giao dịch: 

Hãy nghĩ về phong cách lãnh đạo này theo kiểu “nếu thế này, thì sẽ phải thế kia”. Chẳng hạn nếu bạn bỏ lỡ thời hạn, bạn cần phải đưa ra lời xin lỗi đến nhóm. Cách tiếp cận này cứng nhắc và tập trung chủ yếu vào phần thưởng và hình phạt như một cách để tạo động lực cho nhân viên.

Ta có thể thấy sẽ có những điểm giống và khác nhau rõ ràng giữa phong cách lãnh đạo truyền thống và lãnh đạo khai vấn. Quan trọng nhất ở đây là cái nhìn về tư duy lãnh đạo khai vấn sẽ không thể khớp với khuôn mẫu mà nhiều người cho là “truyền thống”, trái lại, phong cách này sẽ thiên về sự hỗ trợ và hợp tác hơn là sử dụng quyền lực và kiểm soát.

Ưu và nhược điểm của lãnh đạo khai vấn là gì?

Tin tốt ở đây là bạn có thể bỏ qua kỳ vọng của mình về một phong cách lãnh đạo “hoàn hảo”. Mọi phong cách đều có ưu điểm và nhược điểm.

Tin tốt về phong cách lãnh đạo khai vấn:

  • Các nhóm và tổ chức thường đạt được mục tiêu và kết quả mong muốn.
  • Có sự tin tưởng cao giữa các nhà lãnh đạo và nhân viên báo cáo trực tiếp.
  • Các thành viên trong nhóm ngày càng tiến bộ bởi nhận được phản hồi và khuyến khích từ sếp lãnh đạo giàu kinh nghiệm.
  • Các đội cảm thấy gắn kết và hợp tác.

Tin xấu về phong cách lãnh đạo khai vấn:

  • Không phải lúc nào cũng có những chiến thắng và kết quả nhanh chóng (Jackson đảm nhận chức vụ huấn luyện viên trưởng Bulls vào năm 1989, những chức vô địch đầu tiên của họ phải đến năm 1991).
  • Người lãnh đạo cần dành nhiều thời gian và năng lượng đầu tư vào việc làm việc chặt chẽ với từng thành viên trong nhóm.
  • Nó đòi hỏi sự hợp tác và cam kết từ nhân viên, vì họ phải muốn phát triển.

Cách áp dụng phong cách lãnh đạo khai vấn với nhóm của bạn

Có hai bước chính mà bạn có thể thực hiện để bắt đầu thể hiện phong cách lãnh đạo này với nhóm của riêng bạn.

1. Hiểu các mục tiêu phát triển của các cá nhân

Khai vấn lãnh đạo tập trung vào việc có được tầm nhìn. Không chỉ là tầm nhìn của tổ chức mà còn là tầm nhìn của từng cá nhân trong nhóm. Điều đó không thể thực hiện được nếu bạn không hiểu mục tiêu và mong muốn của các nhân viên báo cáo trực tiếp.

Điều đó đòi hỏi các cuộc trò chuyện trực tiếp với mọi người trong nhóm. Để làm cho những cuộc trò chuyện đó hiệu quả hơn, hãy đặt những câu hỏi có những yếu tố sau:

  • Kết thúc mở: 

Một nghiên cứu cho thấy rằng các câu hỏi mở cho phép mọi người trả lời trung thực hơn. Ví dụ: bạn sẽ hỏi, "Mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đặt ra cho năm tới là gì?" chứ không phải, "Bạn có hy vọng được thăng chức không?"

  • Tập trung chuyên biệt: 

Tránh áp đảo các thành viên trong nhóm bằng cách hỏi từng câu một. Đừng hỏi họ có những mục tiêu gì, những kỹ năng nào họ nghĩ rằng họ cần xây dựng và họ thấy tương lai sẽ diễn ra như thế nào. Tập trung vào một chủ đề, chẳng hạn như "Một thách thức mà bạn hiện đang đối mặt là gì?"

2. Ưu tiên sự phản hồi

Người nào không bao giờ nói cho bạn biết bạn đang làm gì là đúng hay sai hoàn toàn không phải là một khai vấn viên tốt. Vì lý do đó, các nhà lãnh đạo khai vấn cần đặt phản hồi lên hàng đầu. Những phản hồi cần phải được diễn ra:

  • Thường xuyên: 

Được diễn ra đều đặn thay vì chỉ trong quá trình đánh giá performance.

  • Rõ ràng: 

Được chứng thực bằng bằng các ví dụ thực tiễn.

  • Có thể hành động dựa trên đó: 

Được hữu hình rõ ràng để người nhận có thể dựa vào đó mà thực hiện theo.

Cũng giống như sự lãnh đạo, phản hồi cần phải được uyển chuyển áp dụng để phù hợp với những trường hợp khác nhau. Hãy kết nối với các thành viên trong nhóm để hiểu cách họ muốn nhận phản hồi. Một người có thể thích các cuộc trò chuyện công khai trong khi người khác cảm thấy thoải mái hơn với các cuộc trò chuyện riêng tư.

Cuối cùng, hãy nhớ cân bằng những lời chỉ trích mang tính xây dựng với một số lời khen ngợi và công nhận. Mặc dù quá trình lãnh đạo khai vấn nhằm mục đích hình thành các kỹ năng và cải thiện hiệu suất, nó cũng nên là một cách để xây dựng sự tự tin.