Return to site

Xu hướng các công ty cho phép mang chó đến văn phòng sau đại dịch.

(Nguồn: tổng hợp)

October 14, 2021

Việc đưa chó cưng vào nơi làm việc ngày càng trở nên phổ biến. Các công ty lớn như Google, Ticketmaster và ngân hàng Monzo là một trong những công ty có chính sách cho phép nhân viên mang theo chó đến nơi làm việc. Chó thậm chí còn được dán nhãn là “phụ kiện phải có” trong các văn phòng thông minh.

Thống kê cho thấy 3,2 triệu hộ gia đình ở Anh đã nuôi thú cưng kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó chó là lựa chọn phổ biến nhất với 59% người đi làm mong muốn một môi trường làm việc thân thiện hơn với chó khi họ bắt đầu quay trở lại nơi làm việc sau đại dịch. Tại Mỹ, một số chủ sở hữu chó mới thậm chí còn chuẩn bị thay đổi công việc để phù hợp hơn với thú cưng của họ. Một cuộc khảo sát cho thấy gần một nửa số người từ 18 đến 24 tuổi và một phần ba số người từ 25 đến 40 tuổi thà bỏ việc hơn là buộc phải để thú cưng ở nhà một mình toàn thời gian. 

Ta có thể thấy các công ty đang chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết trong việc xem xét các chính sách về vật nuôi trong văn phòng. Các cuộc khảo sát cho thấy phân nửa số giám đốc điều hành cấp cao đang có kế hoạch bắt đầu cho phép nuôi chó trong văn phòng và 59% đang đưa ra chính sách thân thiện hơn với vật nuôi do yêu cầu của nhân viên. Tuy nhiên thực tế có đến 64% nơi làm việc không có chính sách hỗ trợ thú cưng tại nơi làm việc, sau đây là một số góc nhìn để các nhà quản lý cân nhắc và “rộng đường" cho những kế hoạch cụ thể về xu hướng này.

Lợi ích của chó ở nơi làm việc

Từ góc độ nguồn nhân lực, một môi trường làm việc thân thiện với chó đóng góp phần quan trọng nâng cao giá trị thương hiệu và làm cho nhà  tuyển dụng trở nên “hấp dẫn" hơn trong mắt ứng viên tiềm năng, điều này đang ngày càng phổ biến bằng chứng là các danh sách trực tuyến dành riêng cho những nơi làm việc thân thiện với vật nuôi ví dụ như trên website Fortune. Cũng có nghiên cứu cho thấy rằng đó là một cách quan trọng để giữ chân những nhân viên giá trị, vì việc đưa chú chó của bạn đến làm việc có thể được nhân viên coi là một phần của chính sách phúc lợi đặc biệt của công ty mà không dễ gì bị đối thủ cạnh tranh sao chép.

Hầu hết các bằng chứng thực nghiệm về sở hữu chó tại nơi làm việc đều cho thấy ảnh hưởng tích cực đến sự hạnh phúc của toàn thể nhân viên nói chung chứ không chỉ riêng chủ sở hữu chó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chú chó thúc đẩy sự tương tác giữa các nhân viên dẫn đến một bầu không khí tương tác được cải thiện. Nghiên cứu khác cho thấy chó làm giảm căng thẳng của chủ sở hữu và của những người khác trong cùng một văn phòng.

Chó thậm chí có thể cải thiện nhận thức của khách hàng (ví dụ sinh viên nghĩ rằng giáo sư có chó gần bên sẽ thân thiện hơn). Và có thể có những lợi ích về mặt năng suất, mặc dù bằng chứng cho điều này dựa trên cảm nhận thực tế hơn là qua những nghiên cứu chính thức.

Thử thách đối với chính sách đem chó đến nơi làm việc

Những người làm công tác nhân sự cần lưu ý những vấn đề có thể phát sinh khi đưa chó vào văn phòng. Rõ ràng nhất, chúng bao gồm các mối quan tâm về sức khỏe và an toàn liên quan đến dị ứng (các nghiên cứu cho thấy khoảng 8% dân số Vương quốc Anh bị dị ứng với chó) và việc lây truyền mầm bệnh từ chó sang người (chẳng hạn như bệnh hắc lào) có thể xảy ra với khả năng rất thấp.

Một mối quan tâm khác liên quan đến hành vi của chó - đối với con người và những con chó khác. Đây có thể là mối quan tâm đặc biệt quan trọng trong các văn phòng mở và trong các môi trường tiếp xúc thường xuyên với khách hàng. Và điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù việc cho phép chó vào nơi làm việc có thể làm một số người vui,  nhưng cũng có thể khiến những người khác khó chịu. Điều này có thể là do nền tảng văn hóa (thái độ toàn cầu đối với chó thay đổi đáng kể, bệnh sợ chó, hoặc do sở thích (một số người có thể không thích chó).

Đưa ra chính sách

Có một số bước đầu tiên quan trọng mà bất kỳ nơi làm việc nào cũng nên thực hiện khi điều tra xem có nên nuôi chó hay không:

  1. Tìm hiểu xem mọi người ở nơi làm việc nghĩ gì về chó tại nơi làm việc (tiến hành một cuộc khảo sát chẳng hạn).
  2. Xây dựng danh sách các tiêu chí cho phép chó được đến nơi làm việc. Điều này có thể bao gồm các yêu cầu về cung cấp bằng chứng về hành vi của chó (chẳng hạn giấy tốt nghiệp cho chó đã được huấn luyện ở các cơ sở chuyên nghiệp); tình trạng tiêm chủng; tuổi tối thiểu (chó con có nhiều khả năng gây ra những rủi ro về sức khỏe và an toàn); giống chó (hạn chế những con chó nguy hiểm).
  3. Đánh giá những rủi ro liên quan đến sự xuất hiện của chó tại các khu vực khác nhau ở nơi làm việc và xem xét việc hạn chế tiếp cận các khu vực không thích hợp.
  4. Quy định xem ai sẽ chịu trách nhiệm thực hiện chính sách - chẳng hạn thành lập một “Nhóm quản lý chó".
  5.  Áp dụng chính sách thử để xác định các vấn đề không lường trước được.

Có những lý do để tin rằng sự phát triển của các văn phòng thân thiện với chó phản ánh một sự thay đổi lâu dài trong cách các công ty ngày càng hướng về phúc lợi nhân viên. Xu hướng này cũng không được coi là một thách thức cần phải đối phó, mà thay vào đó, ngày càng được đánh giá cao và hoan nghênh vì khả năng cải thiện hạnh phúc và năng suất của mọi người ở nơi làm việc.

(Nguồn: the conversation.com, bodyandsoul.com.au, inews.co.uk)